Đang trực tuyến: | 9905 |
Hôm nay: | 3695 |
Tổng truy cập: | 259,179 |
Triển khai thỏa thuận hơp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ KH&CN, ngày 16/12, tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ phối hợp với Vườn Quốc gia Cát Bà và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) tổ chức buổi làm việc về triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Cát Bà (Xây dựng hệ thống không gian ảo dựa trên công nghệ AI nhằm lưu trữ thông tin mẫu vật và phục vụ triển lãm, tham quan).
Đoàn công tác tiến hành khảo sát thực tế tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Tại buổi làm việc, đại diện các bên trao đổi về kế hoạch và lộ trình xây dựng hệ thống không gian ảo dựa trên trí tuệ nhân tạo, hướng tới việc số hóa toàn diện hệ sinh vật quý hiếm (Bao gồm các loài động, thực vật và vi sinh vật đặc hữu), các địa điểm du lịch thông qua công nghệ quét 3D hiện đại. Hệ thống được kỳ vọng sẽ cung cấp cơ sở dữ liệu trực quan, sinh động và toàn diện về các loài sinh vật, các địa điểm du lịch nhằm hỗ trợ việc lưu trữ, bảo quản lâu dài thông tin mẫu cũng như quảng bá những giá trị độc đáo của hệ sinh thái Cát Bà ra thế giới.
Tiến sĩ Hoàng Anh, đại diện Viện VKIST thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày dự án và nhấn mạnh: Dự án tập trung vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để bảo tồn và phát huy giá trị của các mẫu vật quý giá, đồng thời nâng cao trải nghiệm tham quan, triển lãm thông qua công nghệ hiện đại. Dự án gồm các nội dung chính: Thu thập và chuẩn hóa dữ liệu mẫu vật, địa điểm (chụp ảnh, quét 3D, thu thập thông tin chi tiết của các mẫu vật, phân loại, gắn nhãn và chuẩn hóa để tích hợp dễ dàng vào hệ thống); Quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu mẫu vật, địa điểm (quản lý toàn diện với các chức năng như tạo, chỉnh sửa, xóa mẫu vật; tìm kiếm nâng cao; quản lý hình ảnh và tài liệu liên quan; theo dõi trạng thái bảo quản và lịch sử thay đổi của mẫu vật); Xây dựng không gian ảo phục vụ bảo tồn, triển lãm và tham quan (hiển thị mô hình 3D của mẫu vật, cho phép quan sát từ nhiều góc độ; tích hợp thông tin chi tiết liên kết trực tiếp với cơ sở dữ liệu; tương tác thông minh trong không gian ảo, mang lại trải nghiệm sinh động và hiện đại); Quản lý và phân quyền người dùng, phân loại tài khoản theo quyền hạn (quản trị viên, người dùng thông thường).
Quang cảnh buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Bà Phạm Văn Phúc cho biết: Vườn Quốc gia Cát Bà ngoài việc quản lý Vườn còn quản lý Khu dự trữ sinh quyển và một số nhiệm vụ của Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long - Cát Bà. Đây là khu vực đa dạng sinh học với địa chất, địa mạo phong phú gồm hơn 4.000 loài sinh vật đặc hữu, quý hiếm và hơn 500 bộ mẫu sinh vật được bảo quản. Nếu dự án thành công không chỉ phục vụ công tác lưu giữ mà còn mở ra những cơ hội mới trong phát triển du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thống kê khoa học và công nghệ Hòa Quang Dự khẳng định: Việc khảo sát thực tế cho thấy đã đảm bảo đầy đủ các yếu tố để triển khai dự án trong năm 2025, trong đó giai đoạn đầu tiên là khảo sát thực tế; xây dựng thí điểm hệ thống mẫu vật một số loài sinh vật đặc hữu được trưng bày tại Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển và thử nghiệm, vận hành hệ thống. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn và phát huy giá trị hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Cát Bà cũng như phát triển du lịch.
Buổi làm việc đạt được sự thống nhất cao giữa các bên về kế hoạch triển khai, đánh dấu khởi đầu hợp tác bền vững trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Dự án không chỉ hiện đại hóa công tác bảo tồn mà còn tạo sức hút mới, góp phần quảng bá hình ảnh Vườn Quốc gia Cát Bà và nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch sinh thái./.
Hàn Vĩnh Tân