Chuyên mục

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:  160
Hôm nay:  188
Tổng truy cập:  945,529

TỔ CHỨC KH&CN THUỘC SỞ

Tin chuyên mục : Thành viên mạng lưới

Viện Y học biển 13/10/2016

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN Y HỌC BIỂN VIỆT NAM

Vấn đề quan trọng nhất đối với người làm nghề biển là sức khoẻ và khả năng chịu đựng sóng gió. Có thể nói rằng lịch sử phát triển của của chuyên ngành Y học biển của thế giới cũng như của Việt Nam gắn liền với sự phát triển kinh tế biển và các hoạt động quân sự trên biển. Ngay từ thời kỳ nhà Nguyễn, khi lực lượng hải quân bắt đầu phát triển và thực hiện sứ mệnh vượt biển mở mang bờ cõi đến tận quần đảo Hoàng Sa, Triều đình Nhà Nguyễn đã cử các Thái y tham gia tuyển chọn những người lính có đủ sức khoẻ, dũng cảm và có khả năng chịu đựng sóng gió để tham gia đội quân viễn dương này. Nhờ lòng dũng cảm của cha ông ta mà lãnh hải của nước ta đã được mở rộng như ngày nay. Như vậy, có thể nói Y học biển của nước ta cũng đã được cha ông ta quan tâm đến từ rất sớm. Tuy nhiên, trải qua ngót một trăm năm bị giặc ngoại xâm đô hộ, hoạt động kinh tế biển của nước ta gần như bị lãng quên. Biển mênh mông của chúng ta cũng do giặc ngoại xâm chiếm giữ. Tất nhiên, Y học biển vì thế cũng không thể phát triển được. 

Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng năm 1954, miền Nam vẫn nằm dưới ách cai trị của đế quốc và hoà bình cũng chỉ đến với miền Bắc chưa được chục năm trời và từ ngày 2/8/1964 chiến tranh lại lan rộng ra cả miền Bắc. Vào thời điểm này chúng ta đã phát triển được lực lượng hải quân tương đối mạnh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải miền Bắc. Ngành y của chúng ta lúc này đã hướng hoạt động vào phục vụ chiến tranh phá hoại của Mỹ và chi viện cho chiến trường miền Nam, lực lượng quân y Hải quân cũng bắt đầu phát triển để phục vụ chiến tranh. Trong suốt thời gian từ 1954-1975 việc nghiên cứu Y học biển cũng chưa được chú ý tới. Sự ra đời và phát triển chuyên ngành Y học biển nói chung và Viện Y học biển Việt nói riêng cũng gắn kết chặt chẽ với những giai đoạn lịch sử, những bước chuyển mình và mốc son chói lọi của nước nhà.

Giai đoạn 1975- 1985:

Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, non sông biển cả về một mối, đất nước đi vào giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế và ngành kinh tế biển mà đại diện là 2 ngành Hàng hải và Thuỷ sản cũng bắt đầu phát triển. Việc nghiên cứu Y học biển cũng bắt đầu được manh nha, nhưng mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như kiểm dịch cảng biển, xử lý thảm hoạ và cấp cứu biển, y học lao động biển cũng bắt đầu được chú ý nghiên cứu. 

Ở giai đoạn này một số bác sĩ được đào tạo tại Liên bang Xô Viết, Cộng hoà Ba Lan như BS Đỗ Xuân Dân, BS Vũ Tuyết Minh cùng với các bậc đàn anh khác như BS Trần Luật (nguyên Giám đốc sở Y tế Hải Phòng), BS Nguyễn Văn Hoan thuộc Trạm vệ sinh phòng dịch thành phố Hải Phòng đã tiến hành một số nghiên cứu về điều kiện vệ sinh môi trường lao động trên một số tầu vận tải ven biển và viễn dương, BS Nguyễn Văn Hoan đã có một số công trình nghiên cứu về lâm sàng của chứng bệnh say sóng. BS Nguyễn Lung, TS Nguyễn Song Anh ở bệnh viện Việt - Tiệp Hải Phòng đã tổ chức một số đợt điều tra về sức khoẻ và cơ cấu bệnh tật của sỹ quan và thủy thủ Công ty vận tải biển Việt Nam. Nguyễn Trường Sơn và CS (ĐHYHP) đã nghiên cứu về đặc điểm thể lực và chức năng sinh lý của sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Kết thúc giai đoạn này với việc ĐHYHP (ĐHYHP) kết hợp với Trung tâm Vệ sinh phòng dịch và Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp tổ chức thành công Hội nghị Y học Hàng hải lần thứ nhất tại Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp Hải Phòng ngày 22 tháng 11 năm 1985. Hội nghị có sự tham gia của Bộ Y tế, trường Đại học hàng hải, Bộ Giao thông, Quân chủng hải quân.

Tại Hội nghị này có 8 báo cáo khoa học được trình bày thuộc các lĩnh vực y học lao động Hàng hải, sức khoẻ, bệnh tật của thuỷ thủ và sỹ quan, cấp cứu và xử lý các thảm hoạ biển, sinh lý hàng hải. Ý nghĩa quan trọng bậc nhất của Hội nghị này là tập hợp đội ngũ những người quan tâm đến lĩnh vực Y học Hàng hải nói riêng và sau này là Y học biển nói chung thống nhất dưới ngọn cờ do PGS Nguyễn Lung, Hiệu trưởng Phân hiệu ĐHYHP lãnh đạo nhằm phát triển chuyên ngành Y học Hàng hải. Hội nghị đã thống nhất đề nghị với Bộ Y tế cần có chương trình nghiên cứu về Y học Hàng hải toàn diện hơn, chuyên sâu hơn nhằm bảo vệ sức khoẻ cho các sỹ quan và thuỷ thủ của chúng ta, góp phần phát triển ngành hàng hải của nước nhà. Và tại đây, bước đầu đã khẳng định Hải Phòng đang và sẽ là Trung tâm về Y học biển của cả nước trong tương lai.

Giai đoạn 1986 - 1995:

Giai đoạn này bắt đầu với việc Phân hiệu ĐHYHP triển khai nhiệm vụ Bộ Y tế giao là đào tạo bác sỹ đa khoa và nghiên cứu y học lao động công nghiệp mỏ và Y học hàng hải.

+ Từ tháng 12 năm 1988 bắt đầu phối hợp với Tổng cục đường biển tổ chức các lớp cập nhật kiến thức y tế hàng hải cơ bản cho các bác sỹ đang công tác trên các tầu biển của Tổng cục đường biển. Thời gian mỗi khóa học là 2 tháng với 140 giờ lý thuyết chủ yếu là ôn tập các kiến thức cũ và có cập nhật thêm một số kiến thức mới, không có thực hành.

+ Năm 1986 lần đầu tiên ĐHYHP được Bộ Y tế giao cho thực hiện một đề tài cấp Bộ về Y học Hàng hải "Nghiên cứu đặc điểm sinh học người đi biển Việt Nam" do các tác giả Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Lung và Lê Thành Uyên thực hiện. Đề tài này sau đó được báo cáo tại Hội nghị Y học biển lần thức 2 năm 1992.

+ Năm 1988- 1989: Trường đã đề nghị Bộ cho gửi cán bộ (BS Nguyễn Trường Sơn) đi đào tạo về Y học biển tại Viện Y học biển và Nhiệt đới nước Công hoà Balan, một trung tâm Y học biển bậc nhất châu Âu thời đó. Có lẽ đây là bước ngoặt có tính chiến lược của Lãnh đạo ĐHYHP khi đó về mặt phát triển nguồn lực Y học biển cho tương lai.

+ Năm 1990 nền kinh tế đất nước ta đã có một bước đổi mới cực kỳ quan trọng là Đảng ta đã quyết định từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp để chuyển sang nền kinh tế thị trường. Quyết định này kéo theo mặt trái của nó là toàn bộ mạng lưới y tế cơ sở của không chỉ ngành Hàng hải mà còn của nhiều ngành kinh tế biển khác Thuỷ sản, Du lịch...Công tác chăm sóc sức khoẻ cho các lao động biển giai đoạn này trở nên cực kỳ khó khăn và gần như bỏ ngỏ, các tầu biển đã bãi bỏ chức danh sỹ quan Y tế, các phòng y tế, bệnh xá bị giải thể hoặc sát nhập vào phòng hành chính. Nhưng cũng chính thời điểm này ngành Hàng hải nước ta bắt đầu có những bước cải tổ sâu sắc để phát triển mạnh mẽ và tăng cường Hội nhập quốc tế với việc tham gia một số Công ước quốc tế về Hàng hải như Công ước về đào tạo và cấp chứng chỉ đi ca cho thuyền viên (công ước STCW 1995 ) trong đó có chứng chỉ cấp cứu ban đầu trên biển và chứng chỉ y tế cho sỹ quan boong làm nhiệm vụ thay thế cho chức danh bác sĩ trên tàu, Công ước về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS 1983).

+ Tháng 4 năm 1991, Bộ Y tế đã chính thức có Quyết định 2459/K2-ĐT ngày 23 tháng 4 năm 1991, giao cho Phân hiệu ĐHYHP chủ trì nghiên cứu "Vấn đề Y học biển". Khái niệm Y học biển (YHB) lúc này đã chính thức được sử dụng thay thế khái niệm Y học Hàng hải trước đây với những nội dung toàn diện hơn, bao gồm tất cả những hoạt động y tế phục vụ sức khoẻ các lao động của mọi ngành kinh tế biển và cư dân trên biển - đảo (bao gồm cả vùng ven biển). Triển khai Quyết định này của Bộ, ĐHYHP đã đã lập kế hoạch:

- Thành lập "Đơn vị nghiên cứu Y học biển (ĐVNCYHB)" do PGS Nguyễn Lung trực tiếp làm Chủ nhiêm đơn vị, BS Nguyễn Trường Sơn làm Thường trực Đơn vị, BS Phạm Văn Thức làm thư ký Đơn vị.

- ĐVNCYHB đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch nghiên cứu 5 năm 1991-1995. 

- Triển khai các chương trình nghiên cứu cơ bản về YHB như nghiên cứu về: Đặc điểm môi trường lao động trên tầu biển Việt Nam (Tạ Quang Bửu)1, Điều tra tình hình sức nghe của thuỷ thủ tầu biển HP (Phạm Hồng Hải), Đặc điểm huyết áp và bệnh tăng huyết áp của người đi biển (Nguyễn Trường Sơn)2, trong đó đề tài số 1 và số 2 là đề tài cấp Bộ Y tế quản lý. Đặc biệt là để giúp cho ngành Hàng hải có điều kiện hội nhập quốc tế tốt nhất, Đơn vị YHB đã tổ chức nghiên cứu 2 công trình nghiên cứu khoa học là "Xây dựng tiêu chuẩn tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho các loại tầu biển Việt Nam" và "Chương trình giáo dục sức khoẻ cho sỹ quan thuyền viên Việt Nam" do PGS Nguyễn Lung và BS Nguyễn Trường Sơn chủ trì.

- Đơn vị YHB cũng đã nhanh chóng biên soạn cuốn sách "Trợ giúp Y tế quốc tế cho tầu biển" và cuốn Cấp cứu biển làm tài liệu giảng dạy cho sỹ quan và thuyền viên Việt Nam. Cả 4 đề tài cấp Bộ này đã được các Hội đồng khoa học cấp Bộ tổ chức nghiệm thu tháng 12 năm 1992. Và sau đó ngành Hàng hải nước ta đã sử dụng các đề tài này để Ban hành đưa vào sử dụng cho toàn ngành từ đó đến nay (mặc dù chưa có ý kiến đồng ý của Bộ Y tế). Thực tế các đề tài này đã giúp cho ngành Hàng hải nước ta rất nhiều trong quá trình hội nhập để phát trển. Trong giai đoạn này ĐVYHB đã cử cán bộ trực tiếp giảng dạyYHB cho nhiều lớp sỹ quan, thuyền viên và đào tạo các giảng viên huấn luyện cấp cứu ban đầu trên biển cho ngành Hàng hải.

+ Tháng 6 / 1992, Đại học Y HP phối hợp với chương trình 12-4, Bộ Y tế và Học viện quân y tổ chức Hội nghị khoa học Y học biển lần thứ hai với 18 đề tài khoa học (đã in trong kỷ yếu Hội nghị) bao gồm các nội dung: cấp cứu biển, Y học lao động biển, sức khoẻ và cơ cấu bệnh tật của lao động biển, y học dưới nước và áp suất cao... đã được trình bày tại Hội nghị này. Hội nghị đã cụ thể hoá một số nhiệm vụ nghiên cứu đã được hội nghị lần thứ nhất đặt ra, và đặc biệt danh từ Y học biển đã được dùng thay thế cho danh từ Y học Hàng hải. Y học biển với đầy đủ ý nghĩa của nó là không chỉ nghiên cứu và phục vụ cho các lao động của ngành hàng hải mà còn nghiên cứu và bảo vệ sức khoẻ cho các lao động biển khác, nhân dân trên hải đảo và vùng ven biển.

+ Năm 1/1995: BS Nguyễn Trường Sơn đã bảo vệ thành công luận án PTS đầu tiên về Y học biển tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng, một hướng mới về đào tạo nguồn lực cho chuyên ngành YHB đã được hình thành với sự liên kết của ĐHYHP với Học viện Quân y đã được khai thông. Đứng trước yêu cầu phát triển không ngừng của các ngành kinh tế biển và tình hình phức tạp trên biển Đông, lực lượng lao động biển và nhân dân trên các huyện đảo đã tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi ngành Y tế phải phát triển để đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khoẻ cho các lao động và nhân dân trên biển - đảo, Trường ĐHYHP đã đề nghị Bộ cho phép thành lập Trung tâm Y học và Môi trường biển trên cơ sở ĐVNCYHB.

+ Tháng 8/1995: Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Văn bản cho phép ĐHYHP thành lập Trung tâm Y học và Môi trường biển do PGS.TS Nguyễn Lung, Hiệu trưởng ĐHYHP kiêm Giám đốc Trung tâm và TS Nguyễn Trường Sơn làm P.Giám đốc thường trực. Trung tâm hoạt động theo Nghị định 35/NĐ-HĐBT với những chức năng nghiên cứu lĩnh vực Y học và Môi trường biển, tham gia đào tạo YHB và chăm sóc sức khoẻ lao động biển. Sở Y tế thành phố Hải Phòng cũng đã ký Quyết định thành lập tại Trung tâm một Phòng khám đa khoa để trợ giúp thêm cho hoạt động của Trung tâm có hiệu quả hơn. Ngay sau khi được thành lập, Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển chuyên ngành YHB và phát triển Trung tâm theo hướng xã hội hoá. Hoạt động của Trung tâm được triển khai hoạt động toàn diện hơn với sự trợ giúp của bạn bè trong nước và quốc tế.

Giai đoạn 1995 - 2001: 

Sau khi Trung tâm Y học và Môi trường biển được hình thành đã bắt tay ngay vào các hoạt động nghiên cứu và phục vụ sức khoẻ cho các lao động biển với một loạt các đề tài nghiên cứu về y học hải đảo, đặc điểm sinh học người Việt Nam lao động trên biển và tiêu chuẩn sức khoẻ nghề nghiệp biển... Tháng 6 năm 1996, Trung tâm Y học và Môi trường biển đã hoàn thành và đưa vào nghiệm thu 02 đề tài nghiên cứu cấp Bộ, trong đó có đề tài xây dựng Tiêu chuẩn sức khoẻ cho thuyền viên, sỹ quan và học viên các Trường đào tạo nghề đi biển của Việt Nam. Bản tiêu chuẩn này năm 1998 đã được Bộ Giao thông vận tải đề nghị dịch sang tiếng Anh và gửi đăng ký tại Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) như một tiêu chuẩn chính thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế. Rất tiếc, bản tiêu chuẩn này vẫn chưa được sử dụng ở trong nước với lý do là Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Y tế ban hành Bản tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện cơ giới để áp dụng cho người đi biển. Đây là điều hết sức bất hợp lý mà trong báo cáo tham luận của ngành Hàng hải đồng chí Phó cục trưởng Cục hàng hải VN đã đề cập đến.

Năm 1997: TSNguyễn Trường Sơn đã được cử tham gia Hội thảo Y học biển lần thứ 4 tại OSLO, Na uy, tại Hội thảo này 43 nước tham dự trong đó có Việt Nam đã nhất trí thành lập Hội Y học biển quốc tế (IMHA), và từ đó đến nay chúng ta vẫn luôn duy trì tư cách thành viên đối với IMHA. Từng bước một, chúng ta đã Hội nhập vào hoạt động Y học biển quốc tế và đã thu được rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức từ hoạt động này cho sự phát triển của chuyên ngành Y học biển nước nhà. Năm 1998, Hội nghị Khoa học Y học biển - đảo lần thứ ba đã được tổ chức tại Hải Phòng với sự tham gia của Bộ Y tế, Ban Tổ chức cán bộ Chính Phủ, Bộ quốc phòng, Văn phòng Chính Phủ, Ban Biên giới Chính Phủ. Tại Hội nghị này, vấn đề phát triển chuyên ngành Y học biển và mạng lưới y tế biển đảo nhằm phục vụ phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển đã được Hội nghị đặt ra. Các hoạt động nghiên cứu khoa học YHBđã được triển khai ở khu vực dân sự và quân sự, với các nhóm đề tài về Y học nghề nghiệp biển, cấp cứu biển và Tele - Medicine, Y học dưới nước và cao áp, Y học hải đảo và do viện YHB chủ trì. Một số đề tài Y học dưới nước và cao áp khác cũng đã được Viện Y học Hải quân và khoa Y học lao động của Viện Pasteur Nha Trang tiến hành. Một số đề tài về sức khoẻ và bệnh tật của công nhân bảo đảm Hàng hải, công nhân cảng đã được Trung tâm Y tế lao động giao thông vận tải tiến hành (và có đề tài tham gia trong Hội thảo này). Viện Y học lao động và vệ sinh Môi trường cũng đã có đề tài nghiên cứu về môi trường và sức khoẻ công nhân chế biến thuỷ sản ở một số địa phương. Tháng 6 năm 1999, Bộ Y tế đã Quyết định tổ chức Hội nghị "Kết hợp quân dân y về công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và cấp cứu cho nhân dân và bộ đội trên biển đảo". 14 báo cáo khoa học và một số tham luận của các Bộ, Ngành đã được trình bày tại Hội nghị tập trung vào vấn đề Y học hải đảo, Y học Thuỷ sản, Y học Hàng hải, Cấp cứu biển & Tele-Medicine, đặc biệt mô hình kết hợp quân - dân y trong chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và cấp cứu cho các lao động, nhân dân và bộ đội trên biển, đảo...đã được thảo luận sôi nổi và nhiều đại biểu đã ghi nhận hiệu quả bước đầu của chương trình này. Các báo cáo tham luận của tất cả các Bộ, Ngành đều nói lên tầm quan trọng của việc phát triển chuyên ngành Y học biển và mạng lướitế biển - đảo. Trong báo cáo tổng kết Hội nghị, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thưởng, Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Cục trưởng Cục Quân y đã đề nghị nhà nước thành lập Viện Y học biển Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Y học và Môi trường biển - Đại học Y Hải Phòng và nâng cấp Bệnh viện quân chủng Hải quân 5/8 thành Viện Y học Hải quân.

Về hợp tác quốc tế trong giai đoạn này đã được mở rộng ra một số nước châu Âu có nền Y học biển phát triển trên cơ sở vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ với IMHA. Tháng 5/1999, TS Nguyễn Trường Sơn đã tham dự Hội thảo Y học biển lần thứ 5 tại London và tại đây Bản thoả thuận về hợp tác đào tạo cán bộ cho Trung tâm Y học và Môi trường biển đã được ký, và kết quả là tháng 9/1999, 2 cán bộ của viện đã được đưa sang Viện Y học biển và nhiệt đới Balan và Trung tâm sức khoẻ nghề nghiệp biển thuộc WHO để tham dự lớp đào tạo lớp chuyên khoa YHB ngắn hạn.

Quá trình chuẩn bị để thành lập Viện Y học biển vẫn đang được tích cực triển khai ngay sau Hội nghị YHB lần thứ 3 với sự hỗ trợ đắc lực của Bộ Y tế, Bộ nội vụ, tuy nhiên còn quá nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua. Hoạt đông nghiên cứu của Viện vẫn được tiếp tục khá toàn diện và tháng 3 năm 2000, Bộ đã tổ chức nghiệm thu thêm 2 đề tài NCKH cấp bộ nữa cho Viện.

Về hoạt động đào tạo trong giai đoạn này, Trung tâm Y học và Môi trường biển, Đại học Y Hải Phòng đã phối hợp với các công ty vận tải biển để mở những lớp cập nhật cho các sỹ quan và thuyền viên và tiến hành tổ chức các khoá huấn luyện về cấp cứu biển cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của ngành thuỷ sản. Điểm nhấn quan trọng của giai đoạn này, cùng với việc Thủ tướng Chính Phủ ký Quyết định thành lập Trường Đạihọc Y HP, là Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ký quyết định thành lập bộ môn Y học biển thuộc Đại học Y Hải Phòng và bổ nhiệm TSNguyễn Trường Sơn làm Trưởng bộ môn. Đây là bộ môn đầu tiên về Y học biển trong hệ thống các trường y cả nước có nhiệm vụ biên soạn chương trình và tổ chức đào tạo môn Y học biển cho sinh viên y khoa

Giai đoạn 2001- nay:

Qua hơn một năm triển khai tích cực và khẩn trương, Ngày 27 tháng 3 năm 2001 Bộ Trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 930/2001/QĐ-BYT về việc thành lập Viện Y học biển Việt Nam trực thuộc Bộ Y tế trên cơ sở Trung tâm Y học và Môi trường biển - Đại học Y Hải Phòng, nhưng Viện phải chấp nhận hoạt động theo cơ chế bán công (không kinh phí, không biên chế). Tuy nhiên, nhờ đoàn kết một lòng, với sự hy sinh của tất cả cán bộ nhân viên của Viện, Viện đã trụ vững và tiếp tục phát triển. Với cơ chế huy động vốn, lấy ngắn nuôi dài chỉ trong một thời gian Viện đã mua sắm được nhiều thiết bị, máy móc khá hiện đại, đủ sức phục vụ việc nghiên cứu, đào tạo và các nhiệm vụ khác của viện. Đời sống, chế độ của anh chị em được đảm bảo và ngày càng nâng cao. Với vai trò là một Viện đầu ngành của cả nước, Viện YHB đã xây dựng một chiến lược phát triển chuyên ngành Y học biển và chiến lược đào tạo nguồn lực cho Viện và chuyên ngành. Chuyên ngành Y học biển đã được xác định tương đối rõ ràng với các nội dung sau:

+ Y học Hàng hải: Nghiên cứu về y học vận tải biển, vận tải hàng đặc biệt nguy hiểm.

+ Y học Thuỷ sản: Là lĩnh vực nghiên cứu y học phục vụ cho người làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đánh bắt, chế biến hải sản.

+ Y học Dầu khí: gần và xa bờ.

+ Y học dưới nước và cao áp: Nghiên cứu về y học lặn, ứng dụng oxy cao áp điều trị bệnh của thợ lặn và một số bệnh khác.

+ Y học Du lịch biển (Cruise medicine): Lĩnh vực nghiên cứu y học phục vụ hành khách đi du lịch trên biển, du lịch lặn... 

+ Y học hải đảo:

+ Y học công nghiệp biển và vùng ven bờ: Khu vực Cảng biển, các nhà máy đóng và sửa chữa tàu thuyền.

+ Cấp cứu biển và phòng chống thảm hoạ biển.

Viện cũng đã bắt tay vào xây dựng Quy hoạch xây dựng và phát triển Viện đến năm 2010 và những năm tiếp theo và đã được Bộ phê duyệt. Đây là một trong những định hướng chiến lược quan trọng cho việc phát triển chuyên ngành Y học biển của nước ta. Ngày 15/5/2003, Viện đã chính thức được xác định là viện sự nghiệp y tế trong Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính Phủ và trong phần chức năng, nhiệm vụ được bổ sung thêm chức năng là cơ quan chỉ đạo tuyến chuyên khoa cao nhất của Ngành. Đến tháng 10/2003, Viện đã được Bộ phê duyệt Dự án xây dựng mới Viện YHB VN trên diện tích 3 ha tại thành phố Hải Phòng với đầy đủ các Phòng chức năng và các Khoa chuyên môn đủ khả năng thực hiện các nhiệm vụ Bộ giao. 

+ Về nghiên cứu: 

Viện đã triển khai các chương trình nghiên cứu có tính quy mô về y học biển như xây dựng các tiêu chuẩn về sức khoẻ cho lao động biển và các chương trình đào tạo y tế biển cho thuyền viên và sỹ quan hàng hải, ngành thuỷ sản... và đang đề nghị Bộ ban hành. Viện cũng đã có chương trình nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ Tele - Medicine phục vụ cho hoạt động cấp cứu biển đảo và bước đầu đã ứng dụng thành công việc truyền tín hiệu điện tim và hình ảnh siêu âm qua đường điện thoại và đường vô tuyến điện. Viện cũng đã tổ chức tư vấn cấp cứu thành công các tai nạn và ngộ độc xảy ra trên các tàu biển của Việt Nam đang hoạt động ở vùng biển trong nước và quốc tế. 

Các đề tài nghiên cứu về Y học biển đã giúp cho các cán bộ Viện - Trường bảo vệ thành công nhiều luận án tiến sỹ và thạc sỹ.

+ Về đào tạo:

Viện đã xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cập nhật môn Y học biển cho các bác sỹ ở các khu vực ven biển của đất nước (Hiện đã tiến hành được 3 khóa cho các tỉnh miền Trung và 3 khoá cho miền Bắc). Chương trình đào tạo Y học biển cho các sỹ quan hàng hải vẫn được tiến hành thường xuyên và đạt kết quả tốt.

+ Về quan hệ quốc tế: 

Nhằm xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển còn non trẻ của nước ta, Viện YHB đã chú trọng xây dựng các mối quan hệ quốc tế: 

Đến nay, Viện đã có hợp tác với Hội Y học biển quốc tế (IMHA), Hội Y học biển Cộng hoà Pháp, Tây Ban Nha, Cộng hoà Ba lan và một số Viện và tổ chức quốc tế khác.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN Y HỌC BIỂN VIỆT NAM TỪ NAY ĐẾN 2010 VÀ 2020

Việc xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển Việt Nam đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho các lao động, quân và dân trên biển, đảo của Tổ quốc, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế biển và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển. Do vậy, việc phát triển chuyên ngành y học biển, đảo bao gồm các nội dung sau đây:

2.1 Phát triển nguồn nhân lực Y học biển:

Chuyên ngành Y học biển còn rất mới mẻ ở nước ta. Số lượng cán bộ được đào tạo về chuyên ngành này còn rất khiêm tốn và lại phân bố rất không đồng đều, do đó việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên khoa Y học biển có trình độ cao đẻ làm nòng cốt cho việc xây dựng và phát triển chuyên ngành Y học biển cho các vùng miền là rất cần thiết và cấp bách. Việc đào tạo nên được thực hiện theo các hình thức sau:

Đào tạo trong nước: Bao gồm đào tạo y học biển cho sinh viên Đại học Y Hải Phòng (do bộ môn Y học biển của Trường phối hợp với Viện Y học biển đảm nhiệm), đào tạo chuyên khoa định hướng, chuyên khoa cấp I và thạc sỹ sẽ được tổ chức tại Đại học Y Hải Phòng và Viện Y học biển Việt Nam. Hình thức nghiên cứu sinh có thể được kết hợp giữa Viện Y học biển VN với các Viện, Trường Trung ương có chức năng đào tạo nghiên cứu sinh.

Mở các khoá liên kết đào tạo với các trường hoặc Tổ chức quốc tế về Y học biển và cấp bằng quốc tế về chuyên khoa Y học biển.

Cử các cán bộ đào tạo trung và dài hạn tại các nước tiên tiến có chuyên ngành Y học biển phát triển.

2.2 Phát triển Khoa học công nghệ:

Triển khai nghiên cứu toàn diện về Y học biển bao gồm các lĩnh vực sau:

- Y học lao động và bệnh nghề nghiệp biển.

- Quản lý sức khoẻ nghề nghiệp biển.

- Tâm sinh lý lao động biển.

- Cấp cứu biển và phòng chống thảm hoạ biển.

- Y học dưới nước và áp suất cao.

- Y học hải đảo.

- Tổ chức mạng lưới y tế biển - đảo

Phát triển và ứng dụng các công nghệ cao phục vụ Y học biển, đảo tập trung vào các lĩnh vực sau:

- Tele - Medicine và Y học viễn thông.

- Y học áp suất cao và oxy cao áp.

- Nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ tuyển chọn khả năng chịu sóng cho người làm nghề biển.

2.3 Tổ chức mạng lưới Y tế biển:

Hệ thống về y tế biển nên phát triển đều khắp ở các vùng miền ven biển, cả quân và dân y. Ngoài trung tâm chính là Viện Y học biển VN tại Hải Phòng, nên có các Trung tâm đại diện khu vực miền Trung, miền Nam và biển Tây. Củng cố lại hệ thống Y tế ngành của các Ngành kinh tế biển.

2.4 Phát triển quan hệ quốc tế:

Duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với Hội Y học biển Quốc tế (IMHA), tăng cường hợp tác nghiên cứu đào tạo với các Viện, Trường và các Hội Y học biển của các nước mà nước ta đang có quan hệ ngoại giao tốt như Pháp, các nước Tây âu, Bắc âu và Cộng hoà Ba lan. Đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ với các nước trong khu vực Biển Đông.

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA VIỆN Y HỌC BIỂN

CHỨC NĂNG:

Viện Y học biển là một viện chuyên ngành về lĩnh vực y học biển, đảo. Viện có chức năng nghiên cứu khoa học và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chuyên ngành Y học biển, đảo; đào tạo cán bộ chuyên ngành Y học biển, đảo; tham gia hoạt động cấp cứu và khắc phục thảm học trên biển, đảo; chỉ đạo tuyến về lĩnh vực Y học biển và y tế biển; thực hiện công tác khámbệnh, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh cho người lao động và nhân dân trên biển, đảo; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y học biển, y tế biển, đảo.

NHIỆM VỤ:

1. Xây dựng chiến lược, qui hoạch và kế hoạch tổng thể phát triển của Viện qua từng giai đoạn và kế hoạch hoạt động hàng năm của viện, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để thực hiện

2. Tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ ; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao cá kỹ thuật mới, phương pháp mới trong công tác khám chữa bệnh theo qui định của pháp luật; tư vấn cho Bộ y tế và các Bộ, Ngành liên quan các vấn đề về sức khỏe của các lao động biển và nhân dân vùng biển, đảo trong cả nước; thực hiện dịch vụ khoa học, chuyên môn kỹ thuật theo qui định của pháp luật.

3. Xây dựng và tham mưu cho Bộ Y tế ban hành các qui trình, hướng dẫn chuyên môn về nâng cao sức khỏe, dự phòng và điều trị có liên quan đến đặc thù mô hình bệnh tật của người dân, người lao động ở khu vực biển, đảo;

4. Tổ chức đào tạo nguồn nhân lực về lĩnh vực Y học biển cho ngành y tế. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lĩnh vực y học biển cho công chức viên chứ y tế và theo nhu cầu xã hội. Chỉ đạ tuyến về lĩnh vực y học biển đối với các đơn vị theo sự phân công của cấp có thẩm quyền, theo qui định của pháp luật.

5. Tổ chức cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo đúng phạm vụ qui định chuyên môn, quy chuẩn kỹ thuật và được cấp có thẩm quyền cho phép để phục vụ cho nhu cầu chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho lao động và nhân dân vùng biển, đảo.

6. Thực hiện đo và kiểm tra môi trường lao độngtheo đúng qui định của pháp luật hiện hành.

7. Quản lý công chức, viên chức của Viện: Tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ viên chức của viện đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu và chức danh nghề nghiệp, cơ cấu theo độ tuổi và giới, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, tham gia vào quá trình điều động, luân chuyển, luân phiên của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với viên chức của Viện.  

CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VIỆN Y HỌC BIỂN



ĐỊA CHỈ VIỆN

Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Trại Lẻ, Kênh Dương, Lê Chân, Hải Phòng

LÃNH ĐẠO VIỆN 

- Viện trưởng: PGS.TS Trần Thị Quỳnh Chi, ĐT: 0313 613 993

- Phó Viện trưởng: Ths Triệu Thị Thúy Hương, ĐT: 0313 519 687

CÁN BỘ ĐẦU MỐI

- Ths Nguyễn Thị Ngân – Trưởng phòng QL Khoa học Công nghệ, ĐT: 0313 613 063

Quản trị hệ thống tra cứu

 
 

DỮ LIỆU CÁC TRƯỜNG, VIỆN