Đang trực tuyến: | 8129 |
Hôm nay: | 8371 |
Tổng truy cập: | 178,456 |
Nghiên cứu khoa học luôn là nhiệm vụ chiến lược hàng đầu đánh giá sự sống còn của mỗi quốc gia. Những thành tựu nghiên cứu khoa học chính là chìa khóa giúp ta đi tắt, đón đầu để bắt kịp với tốc độ phát triển chung của khu vực và thế giới. Viện Tài nguyên và Môi trường biển tự hào đã đạt được các thành tựu khoa học nổi bật góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội dải ven biển, gìn giữ môi trường, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Viên Tài nguyên và Môi trường biển, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, trong đó cán bộ trẻ chiếm đa số với trình độ cao, đồng đều, giỏi chuyên môn và quan trọng hơn là có lòng say mê công tác nghiên cứu khoa học, nhiệt huyết, yêu nghề, thích tìm tòi khám phá. Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cán bộ Viện đã đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, trong 10 năm gần đây đã chủ trì 36 đề tài, dự án cấp Nhà nước; 98 đề tài cấp, dự án cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố và tương đương; 34 đề tài cấp cơ sở; nhiều hợp đồng khoa học - kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Trong vòng 55 năm qua, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh với nhiều đối tác, nhiều hình thức khác nhau trong các lĩnh vực sinh vật biển, hoá học biển, vật lý biển, địa chất biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đào tạo chuyên gia và tăng cường tiềm lực nghiên cứu biển. Từ những năm 1959-1965, Viện đã hợp tác với Trung Quốc chủ trì chương trình điều tra vịnh Bắc Bộ. Viện đã thực hiện 8 đề tài, dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế, dự án hợp tác song phương theo nghị định thư và 10 đề tài, dự án lớn: quản lí tổng hợp vùng bờ biển Vịnh Bắc bộ ở khu vực Hạ Long; ngăn chặn xu hướng suy thoái môi trường biển Đông và vịnh Thái Lan, UNEP; dự án SAREC - Thuỵ Điển; môi trường cảng và đường thuỷ ở Việt Nam… Bên cạnh đó là nhóm các dự án nhỏ do quỹ tài trợ các dự án nhỏ về bảo tồn thiên nhiên Ruffords Small Grants, Anh. Viện đã hợp tác trực tiếp với Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Liên bang Nga, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Cộng đồng Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ... Đặc biệt việc hợp tác với Nhật Bản đã mang lại nhiều thành công tốt đẹp, Viện là cơ quan điều phối quốc gia trong Chương trình JSPS hợp tác đa phương giữa Nhật Bản và 5 nước ASEAN. Các tổ chức quốc tế lớn như UNEP, UNDP, UNESCO, WESTPAC, ESCAP, WWF, IUCN, FFI, APN cũng dành cho đơn vị một sự ưu ái nhất định trong các chương trình khoa học và môi trường biển.
Các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện chủ trì thực hiện đều đạt được những kết quả nghiên cứu quan trọng và được ứng dụng vào thực tiễn - từ những đóng góp vĩ mô, tầm xa hay những ứng dụng vi mô cụ thể đều được ghi nhận rõ rệt. Thực tế đã chứng minh rằng Viện đã nỗ lực trong việc phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển, Vịnh Bắc Bộ và hải đảo Việt Nam. Viện đã đạt được một số kết quả nghiên cứu mới về cơ sở khoa học và khả năng ứng dụng thực tiễn của tài nguyên vị thế biển, kỳ quan thiên nhiên (sinh thái và địa chất). Cụ thể hơn nữa là việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai, lập đề án thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ - Hải Phòng.
Các thành tựu khoa học đã góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - dân sinh biển đảo Việt Nam như việc nghiên cứu tách chiết một số hoạt chất sinh học trong rong câu, các biện pháp phục hồi ao nuôi tôm sú bị bỏ hoang đã định hướng phục vụ sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng cư dân ven biển. Một trong những ứng dụng thành công của việc nghiên cứu là góp phần đảm bảo an ninh, chủ quyền lãnh hải, lợi ích quốc gia trên biển và hòa nhập quốc tế… Tất cả những điều này đã chứng tỏ công trình nghiên cứu của Viện là đúng đắn. Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện đúng nhiệm vụ, chức năng của mình mang lại lợi ích cho nước nhà, ấm no cho nhân dân - đền bù xứng đáng công sức, tâm huyết của cán bộ khoa học.
Với mong muốn những thành tựu khoa học biến thành công nghệ mới, nguyên liệu mới, vật liệu mới, năng lượng mới đáp ứng đòi hỏi bức bách của cuộc sống vật chất và tinh thần con người hiện nay, các nhà khoa học của Viện phải luôn luôn không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, say mê nghiên cứu, sáng tạo, làm việc hết mình bằng cả khối óc và trái tim. Thành quả ấy tuy không quá lớn nhưng chính là nguồn khích lệ động viên, ghi nhận những nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ viên chức, tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ có thêm động lực cống hiến và phấn đấu trở thành những nhà khoa học chân chính.
Nguồn tin: Viện Tài nguyên và Môi trường biển