Chuyên mục

Thống kê truy cập

Đang trực tuyến:  156
Hôm nay:  184
Tổng truy cập:  945,525

TỔ CHỨC KH&CN THUỘC SỞ

Tin chuyên mục : Thành viên mạng lưới

Viện Tài nguyên và Môi trường biển 13/10/2016

Viện Tài nguyên và Môi trường biển (từ tháng 6 năm 2008) là Viện nghiên cứu cấp quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), được thành lập theo Nghị định số 62/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 05 năm 2008 của Chính Phủ. 

Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của Viện Tài nguyên và Môi trường biển được quy định tại Quyết định số 200/QĐ-VHL ngày 25 tháng 02 năm 2013 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

Tiền thân là Đội điều tra hải dương học thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước thành lập tháng 7/1959, đến năm, 1967 chuyển thành Viện Nghiên cứu biển - Cơ quan khoa học biển duy nhất ở Miền Bắc lúc bấy giờ. Đến nay, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã trải qua gần 60 năm nghiên cứu khoa học biển. Trong lịch sử của mình, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã có một số lần đổi tên và cơ quan trực thuộc cấp trên:

Đội điều tra Hải dương (1959 - 1961), trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Trạm Nghiêm cứu Biển (1961 - 1967), trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Viện Nghiên cứu Biển (1967 - 1976), trực thuộc Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.

Trạm Nghiên cứu Vịnh Bắc Bộ (1976-1989), trực thuộc Viện Nghiên cứu Biển Nha Trang, Viện Khoa học Việt Nam.

Trung tâm Nghiên cứu Biển Hải Phòng (1989 - 1993), Trực thuộc Việt Khoa học Việt Nam.

Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng (1993 - 2004), Trực thuộc Viện Hải dương học Nha Trang, Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc Gia.

Viện Tài nguyên và Môi trường biển (2005 - nay), trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ  Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Cơ cấu tổ chức hiện nay của Viện Tài nguyên và Môi trường biển

* Ban lãnh đạo Viện Tài nguyên và Môi trường biển gồm Viện trưởng và 02 Phó viện trưởng do Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm và miễn nhiệm theo quy chế và quy định của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

+ Viện trưởng là người tổ chức và điều hành mọi hoạt động của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam về mọi hoạt động của Viện Tài nguyên và Môi trường biển.

+ Các Phó viện trưởng có trách nhiệm giúp Viện trưởng tổ chức điều hành hoạt động của Viện Tài nguyên và Môi trường biển, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường biển về nhiệm vụ cụ thể được phân công.

* Hội đồng khoa học

+ Hội đồng khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển gồm các thành viên do Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam quyết định trên cơ sở đề xuất của Viện Tài nguyên và Môi trường biển. Chủ tịch, phó chủ tịch, thư ký và các thành viên hội đồng được bầu theo quy định của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

* Các đơn vị phòng quản lý và phòng chuyên môn (10 đơn vị)

+ Phòng Quản lý tổng hợp: quản lý và lập kế hoạch về nhân sự, hành chính, tài chính, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và trợ giúp kỹ thuật trong các dịch vụ khoa học và công nghệ.

+ Phòng Vật lý biển: Nghiên cứu các yếu tố vật lý hải dương, các quá trình hải dương học đới bờ, cửa sông và biển, hải dương học ứng dụng. Các yếu tố và các quá trình vật lý thuỷ văn biển (sóng, dòng chảy, thuỷ triều và dao động mực nước, nước dâng trong bão); các quá trình động lực bờ, động lực cửa sông. Các yếu tố hóa, lý của nước biển và động thái của chúng

+ Phòng Địa Môi trường biển: Nghiên cứu địa chất môi trường biển, địa hình, địa mạo và địa chất, địa động lực biển và bờ biển, cấu trúc và tiến hoá các địa hệ ven bờ tài nguyên địa học, tai biến vùng bờ biển, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng bờ biển, quản lý tổng hợp vùng bờ biển (ICZM).

+ Phòng Sinh thái và Tài nguyên Động vật biển: Nghiên cứu đánh giá nguồn lợi sinh vật biển và cơ sở khoa học phát triển nguồn lợi thuỷ hải sản kinh tế, các hệ sinh thái biển và ven bờ, sinh thái loài và quần thể của các nhóm động vật biển, trọng tâm là động vật không xương sống.

+ Phòng Sinh thái và Tài nguyên Thực vật biển: Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thực vật biển bao gồm: rong tảo, cỏ biển, thực vật ngập mặn và cơ sở khoa học phát triển nguồn lợi thuỷ sản kinh tế, các hệ sinh thái biển và ven bờ - sinh thái loài và quần thể các nhóm thực vật thuỷ sinh biển.

+ Phòng Bảo tồn và Đa dạng Sinh học biển: Nghiên cứu cơ sở và tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển, đa dạng sinh vật biển, các loài quý hiếm đặc biệt là các loài động vật có xương sống và các giải pháp bảo vệ và phát triển.

+ Phòng Sinh vật phù du và Vi sinh vật biển: Nghiên cứu, đánh giá các nhóm thực vật phù du, động vật phù du và nguồn giống phục vụ đánh giá môi trường và phát triển nguồn lợi thuỷ sinh; nghiên cứu và phân tích tảo độc hại, thuỷ triều đỏ; phân tích, phân lập các chủng vi khuẩn phục vụ đánh giá môi trường, sinh thái, tạo các chế phẩm vi sinh phục vụ nuôi trồng thuỷ sản.

+ Phòng Hoá học môi trường biển: Nghiên cứu các yếu tố thuỷ hoá, các quá trình hoá lý của nước biển, đánh giá chất lượng nước biển và cơ chế gây ô nhiễm môi trường biển, triển khai ứng dụng các phương pháp phân tích và đánh giá môi trường nước biển. Sau năm 2010 sẽ phát triển thêm hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ tách chiết các chất và hợp chất trong nước biển, trầm tích và sinh vật biển phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Nghiên cứu và triển khai các giải pháp và qui trình công nghệ bảo vệ môi trường biển và đới bờ. Nghiên cứu và thử nghiệm sản xuất các chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường biển.

+ Phòng Viễn thám và GIS biển: Nghiên cứu, áp dụng viễn thám trong nghiên cứu biển và hải dương học nghề cá, xây dựng cơ sở dữ liệu và mô hình ứng dụng công nghệ GIS.

+ Trạm nghiên cứu biển Đồ Sơn: Quản lý các đơn vị và các hoạt động của viện ở khu vực cơ sở Đồ Sơn; triển khai nghiên cứu sinh học thực nghiệm và công nghệ môi trường và tổ chức các đợt quan trắc môi trường biển; quản lý cásc phuơng tiện khảo sát biển.

* Các đơn vị quan trắc và khảo sát

+ Trạm quan trắc và phân tích môi trường biển: Phối thuộc snhiệm vụ giữa Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện; thực hiện quan trắc các yếu tố môi trường ở vùng biển phía tây Vịnh Bắc Bộ và các vùng biển khác theo nhiệm vụ định kỳ và không định kỳ, phát hiện cảnh báo ô nhiễm môi trường.

+ Trạm quan trắc và phân tích môi trường không khí vùng duyên hải: Phối thuộc nhiệm vụ giữa Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Viện; Tổ chức, thực hiện quan trắc các yếu tố chất lượng không khí vùng duyên hải.

+ Đội khảo sát sinh thái dưới nước: Phối thuộc nhiệm vụ giữa các đơn vị nghiên cứu trong Viện; tổ chức khảo sát sinh thái, địa chất - địa mạo đáy, khảo cổ học dưới biển bằng thiết bị lặn SCUBA và các phương tiện quay phim chụp ảnh; tổ chức đào tạo thợ lặn..

Chức năng nhiệm vụ của đơn vị

Chức năng

- Nghiên cứu khoa học cơ bản, điều tra cơ bản, ứng dựng và triển khai công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển và các lĩnh vực khoa học khác có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn

- Nghiên cứu cơ bản các vấn đề về tài nguyên và môi trường biển;

- Điều tra, quan trắc và đánh giá tài nguyên và môi trường biển, vùng cửa sông, ven biển và các đảo;

- Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên và môi trường biển, phòng tránh thiên tai;

- Tham gia thẩm định, tư vấn, phản biện, đánh gá, quy hoạch và xây dựng các luận chứng kinh tế - kỹ thuật, các đề án, chương trình khoa học và công nghệ, các chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng và chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển theo quy định của Nhà nước;

- Xây dựng và phát triển bảo tàng hải dương học, cơ sở dữ liệu biển và thư viện khoa học và công nghệ biển phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, học tập, phổ biến kiến thức;

- Nghiên cứu triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống; Chế tạo và sản xuất thử các sản phẩm công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển;

- Dịch vụ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

- Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

- Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường biển và các lĩnh vực khác có liên quan;

- Quản lý về tổ chức, bộ máy; quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị theo quy định của Nhà nước và của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

- Quản lý về tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của Nhà nước;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Viện giao.

Cơ sở vật chất

Cơ sở  hạ tầng:

- Hiện tại Viện Tài nguyên và Môi trường biển có 2 cơ sở nghiên cứu và thực nghiệm, trong đó: Trụ sở chính: 246 đường Đà Nẵng, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng, diện tích đất: 2.444,7 m2; Cơ sở II: Trạm nghiên cứu biển và Bảo tàng Hải dương học Đồ Sơn (tại Phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng), diện tích đất: 6.000 m2.

- Thư viện có  12.000 đầu sách, 20.000 tạp chí và 2.000 báo cáo khoa học lưu trữ, bảo mật. Bảo tàng biển tại Đồ Sơn lưu trữ 30.000 mẫu vật trưng bày và là Bảo tàng biển lớn thứ hai của cả nước, chuẩn bị được cải tạo năng cấp. 

- Bảo tàng Hải dương học đang lưu trữ và trưng bày khoảng 30.000 mẫu vật, chủ yếu là các mẫu sinh vật biển thu thập từ năm 1959 tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ và nhiều vùng biển khác của đất nước. Hiện nay, Bảo tàng này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những bảo tàng chuyên ngành thuộc hệ thống Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam.

Máy móc và thiết bị chuyên môn cơ bản

Hệ thống thiết bị, máy móc hiện có khá đầy đủ và đồng bộ cho khảo sát, phân tích và nghiên cứu biển. Một số loại thiết bị thuộc loại tốt nhất nước và đạt ngang tầm khu vực. Dưới đây là các loại cơ bản:

- Hệ thống thiết bị thí nghiệm phân tích hoá truyền thống;

- Máy sắc ký khí;

- Máy phổ hấp thụ nguyên tử;

- Máy quang phổ khả kiến;

- Máy quang phổ tử ngoại khả kiến;

- Hệ thống các máy đo hiện trường các chỉ tiêu chất lượng nước biển;

- Máy đo độ hạt tự động;

- Hệ thống các máy đo dòng chảy tự ghi;

- Máy tự động ghi sóng và dao động mực nước biển;

- Máy đo sóng, dòng chảy, lưu lượng tự động; Trạm khí tượng di động;

- Hệ thống thiết bị phân tích tự động môi trường nền không khí vùng duyên hải phía Bắc;

- Hệ thống các kính hiển vi quang học, phân cực, huỳnh quang và huỳnh quang đảo ngược, kèm theo các thiết bị quay video, máy chụp ảnh kỹ thuật số nối mạng máy tính;

- Các thiết bị thử nghiệm độc tính, nuôi cấy tảo và vi sinh vật;

- Các thiết bị lặn SCUBA, máy quay video và chụp ảnh dưới nước;

- Các máy định vị vệ tinh và đo sâu hồi âm tự ghi;

- Bộ máy đo sâu và hệ thống GPS đồng bộ;

- Xuồng khảo sát ven bờ biển và hải đảo.

- Hệ thống thiết bị đồng bộ về giải đoán, phân tích viễn thám và GIS (máy in Ao, bàn số hoá, máy quét);

- Các phần mềm tính toán khả năng lan truyền chất ô nhiễm, hoàn lưu, sóng (Phần mềm Delf 3D). Các phần mềm GIS (ARC/inFO, ARCview, MAP/INFO) và viễn thám (PCI, ENVI). Các phần mềm đa dạng sinh học (Ecological Methodology v3.2, PC-ORD v 6.0), các thông số trầm tích và đánh giá tác động môi trường.

- Hệ thống máy tính phổ cập tới tất cả các phòng thí nghiệm và phòng làm việc có kết nối mạng nội bộ và mạng Internet toàn cầu.

- Hệ thống mạng máy tính cục bộ tốc độ cao 1000Mbps, mạng không dây 100Mbps, mạng Internet cáp quang, cùng với 03 máy chủ dịch vụ: Thư điện tử (Email Server), Website (Web Server), CSDL Thư viện điện tử (E.Library Server) và các CSDL tài nguyên và môi trường. Hệ thống tổng đài điện thoại nội bộ. Trong những năm qua Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao cho và đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp nghiên cứu biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

5 năm qua Viện đã chủ trì 2 đề tài độc lập cấp Nhà nước; 6 đề tài thuộc Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước (KC); 9 đề tài thuộc Sự nghiệp Kinh tế - Điều tra cơ bản; 2 đề tài thuộc chương trình nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng; 1 đề tài thuộc Sự nghiệp Bảo vệ môi trường; 18 đề tài cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 38 đề tài cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố và tương đương; 14 đề tài cấp cơ sở; nhiều hợp đồng khoa học - kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, Viện còn chủ trì thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ hợp tác quốc tế: 4 đề tài, dự án hợp tác song phương theo nghị định thư; 5 đề tài, dự án ODA và NGO; 1 đề tài, dự án hợp tác quốc tế cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 1 đề tài, dự án hợp tác quốc tế khác.

Hợp tác quốc tế được đẩy mạnh với nhiều đối tác, nhiều hình thức khác nhau trong các lĩnh vực sinh học biển, hoá học biển, vật lý biển, địa chất biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, đào tạo chuyên gia... Viện đã hợp tác trực tiếp thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với nhiều cơ quan khoa học biển của nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Liên bang Nga, Pháp, Italia, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch, Cộng đồng Châu Âu, Canada, Hoa Kỳ...; hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế lớn như UNEP, UNDP, UNESCO, WESTPAC, ESCAP, WWF, IUCN, FFI, APN. Các hợp tác này đã giúp cho Viện tăng cường tiềm lực nghiên cứu về cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư ngày càng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản tại các nước có nền khoa học tiên tiến, đồng thời tạo điều kiện hội nhập và tham gia giải quyết các vấn đề về biển xuyên lãnh hải vì lợi ích đa quốc gia.

Các đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học do Viện chủ trì thực hiện đều đạt được những kết quả nghiên cứu quan trọng và được ứng dụng vào thực tiễn. Thực tế đã chứng minh rằng Viện đã góp sức không nhỏ trong phát triển, quản lý và vận hành  hệ thống bảo vệ môi trường cảng biển, đánh giá thiên tai ngập lụt, xây dựng cơ sở khoa học và soạn thảo các kế hoạch chiến lược quốc gia bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.... Cụ thể hơn nữa là việc xây dựng cơ sở khoa học cho việc UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ hai, lập đề án thành lập khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Bạch Long Vỹ - Hải Phòng, đề án Xây dựng kế hoạch hành động về đa dạng sinh học thành phố Hải Phòng đến năm 2020, đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển tỉnh Thanh Hóa... Việcnghiên cứu tách chiết một số hoạt chất sinh học trong rong câu, các biện pháp phục hồi ao nuôi tôm sú bị bỏ hoang, nghiên cứu các biện pháp xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản, cơ sở khoa học phục hồi các hệ sinh thái biển nhiệt đới (san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn),  bảo tồn và phát triển nguồn lợi một số loài sinh vật biển có giá trị kinh tế cao, quý hiếm như Hải sâm, Ngán, Ngao, Rùa biển, Thú biển, Rong câu chỉ vàng...đã định hướng phục vụ sản xuất, góp phần xoá đói giảm nghèo cho cộng đồng cư dân ven biển...

Trong năm năm qua (2011-2015) bằng sự cố gắng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của tập thể các nhà khoa học, Viện đã hoàn thành và nghiệm thu  04 đề tài cấp nhà nước trong các Chương trình trọng điểm KC08 và KC09, trong đó có 02 đề tài nghiệm thu đạt xuất sắc và 02 đề tài đạt loại khá. Các đề tài này đều mang tính ứng dụng thực tiễn cao, góp phần xây dựng cơ sở định lượng về giá trị kinh tế của các hệ sinh thái biển trong hoạch định chính sách,chiến lược quản lý bền vững tài nguyên biển; xây dựng được các mô hình thực tiễn trong sử dụng nguồn lợi biển và trong phục hồi các hệ sinh thái vùng bờ đã bị suy thoái.

Trong 5 năm qua, việc viết bài công bố, xuất bản trên các tạp chí, các kỷ yếu hội nghị ở trong và ngoài nước theo đã ghi nhận những kết quả rực rỡ. Viện đã xuất bản nhiều đầu sách khoa học, trong đó các chuyên khảo có giá trị về rong biển, cá biển, tài nguyên và môi trường biển, tham gia biên soạn sách đỏ Việt Nam. Một số cuốn sách của Viện đã được giải thưởng sách hay và được đánh giá cao trong các diễn đàn khoa học. Các cán bộ khoa học của Viện có nhiều công trình công bố trong các tạp chí trong  nước và quốc tế, kể cả tạp chí của một số nhà xuất bản danh  tiếng của thế giới.

Viện luôn chú trọng và nâng cao vai trò của việc đào tạo nguồn nhân lực. Năm vừa qua Viện đã có 04 nghiên cứu sinh bảo vệ luận án TS thành công, có 10 Nghiên cứu sinh TS theo học trong nước và 06 nghiên cứu sinh theo học nước ngoài.Viện còn phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đào tạo nhiều thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành liên quan đến khoa học và công nghệ biển.

Với những nỗ lực không mệt mỏi đó, tập thể Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như: Đồng giải thưởng Hồ chí Minh, Đợt IV, năm 2010; Công trình “Động vật chí Việt Nam và Thực vật chí Việt Nam, Sách Đỏ và Danh lục Đỏ Việt Nam”; Đồng giải thưởng Nhà nước năm 2010 - cụm công trình “Khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật Biển Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ cuộc sống”; Đồng Giải thưởng Cố đô Huế, giải B năm 2011 cho  công trình: “Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Tự nhiên”; Giải nhì, Giải thưởng KH&CN thành phố Hải Phòng năm 2010 cho công trình: “Xây dựng khu Dự trữ Sinh quyển Quần đảo Cát Bà”; Cờ thi đua của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2013; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bằng khen của các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng…

Quản trị hệ thống tra cứu

 
 

DỮ LIỆU CÁC TRƯỜNG, VIỆN