Đang trực tuyến: | 4156 |
Hôm nay: | 4270 |
Tổng truy cập: | 187,530 |
1. Triển khai có hiệu quả các Nghị quyết về KH&CN
Ngày 06/8/2008, Ban chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước. Ngày 1/4/2008, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về một số chủ trương, giải pháp chủ yếu phát triển nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH thành phố đến năm 2010, định hướng 2020. Ngày 16/5/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIV ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐHvà hội nhập quốc tế thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là những Nghị quyết quan trọng, tác động đến sự phát triển nhân lực, khoa học công nghệ thành phố.
Thành phố luôn trú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao.
Đến nay, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 18-NQ/TU, đội ngũtrí thức, nhân lực chất lượng cao của thành phố có sự phát triển về số lượng, trưởng thành về chất lượng, thích nghi dần với cơ chế thị trường, trình độ chuyên môn tương đối cao, từng bước được trẻ hóa. Thành phố hiện có khoảng 150.000 người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, đạt 750 người có trình độ cao đẳng, đại học/1 vạn dân, trong đó có 13 giáo sư và 90 phó giáo sư (so vớinăm 2008, toàn thành phố có 04 giáo sư và 20 phó giáo sư).
Một số mặt hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước từng bước được khắc phục: công tác cán bộ có nhiều chuyển biến, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ được tiến hành thường xuyên theo quy trình thống nhất, sát hợp; Cơ cấu ngành nghề đào tạo có hướng thay đổi tích cực, tăng tỷ lệ ngành công nghệ cao; Cán bộ KH&CN có trình độ cao được đào tạo ở một số ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển KH&CN, KT-XH thành phố.
Nghị quyết 08-NQ/TU đề ra 8 chỉ tiêu chủ yếu và định hướng phát triển 11 lĩnh vực trọng điểm. Sau 5 năm triển khai thực hiện, cho thấy chiến lược đúng đắn của thành phố trong việc coi “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng; là tiêu chí nâng cao sức mạnh tổng hợp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; là một trong những khâu đột phá để phát triển nhanh và bền vững thành phố”.
5 năm qua, một số chỉ tiêu vượt mức Nghị quyết đề ra, như: Hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao, Phát triển nhân lực khoa học và công nghệ có trình độ cao... Hiệu quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được nâng lên một bước, gắn bó chặt chẽ với sản xuất và đời sống, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, xây dựng căn cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách, quyết định của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển đô thị, nông thôn.
Để phát triển 11 lĩnh vực trọng điểm, giai đoạn 2013-2018, thành phố đã phê duyệt và triển khai 129 nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố thuộc 06 Chương trình KH&CN có mục tiêu và 48 nhiệm vụ thuộc chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới. Từ các kết quả nghiên cứu triển khai, đã đề xuất 43 luận cứ khoa học, 72 mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới; 76 giải pháp kỹ thuật mới, công nghiệ mới; 25 sản phẩm mới; 12 loại giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất. Nhiều kết quả nghiên cứu đã mở ra hướng nghiên cứu mới, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống; phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động; tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu thị trường.
2. 100% Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoàn thành áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015
Ngày 09/5/2017, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố đã ban hành Quyết định số 1091/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan hành chính nhà nước thuộc Sở, ngành thành phố Hải Phòng.
Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch chuyển đổi, áp dụng Hệ thống QLCL ISO 9001:2015.
Qua hơn một năm triển khai (từ 31/5/2017 đến 30/8/2018), 47/47 đơn vị thuộc đối tượng thực hiện Kế hoạch đã hoàn thành việc chuyển đổi và áp dụng HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong đó có 45 đơn vị thực hiện chuyển đổi từ tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 sang TCVN ISO 9001:2015; 02 đơn vị (Sở Du lịch; Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố) chuyển đổi trực tiếp lên TCVN ISO 9001:2015. Gần 5.000 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị được cụ thể hóa đưa vào HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Việc xây dựng quy trình giải quyết công việc một cách khoa học, từng bước cải tiến phương pháp làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý và tác nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho từng cán bộ, công chức, viên chức trong các phòng, ban, đơn vị giải quyết công việc thông suốt, kịp thời, hiệu quả, đơn giản hóa quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết công việc… Đồng thời, tạo môi trường làm việc công khai, minh bạch, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí phát sinh không đáng có cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị.
Chuyển đổi áp dụng TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của thành phố Hải Phòng nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hệ thống hóa quy trình xử lý công việc, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch, hiện đại, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính và phục vụ đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố.
3. Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho 03 sản phẩm đặc sản, đặc thù
3 nhiệm vụ được thành phố phê duyệt gồm: “Cá thu phơi một nắng - Đặc sản Đồ Sơn - Hải Phòng”, “Gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng” và“Trứng vịt Chấn Hưng”. Việc quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận giúp nâng cao danh tiếng, giá trị và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và thành phố nói chung.
Mô hình sản xuất gạo nếp cái hoa vàng Đại Thắng theo VietGAP.
Mô hình quản lý, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận theo 3 cấp độ, gồm: Kiểm soát bên ngoài - Kiểm soát nội bộ - Kiểm soát cơ sở/ tự kiểm soát. Cùng với việc đổi mới công nghệ xử lý, chế biến; Phát triển thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết chuỗi... Từ đó, các sản phẩm, đặc sản được tạo được vị thế trên thị trường; góp phần đưa nhãn hiệu sản phẩm từ vị trí nhà nước công nhận trở thành thương hiệu được người tiêu dùng đón nhận.
4. Triển lãm Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng và Techfest Hai Phong 2018 với quy mô lớn
Trong 2 ngày 28 và 29/9/2018, tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia phối hợp với Sở KH&CN thành phố Hải Phòng và Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam tổ chức Lễ khai mạc “Triển lãm Kết quả nghiên cứu KH&CN vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018” và “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hải Phòng năm 2018” (Techfest Hai Phong 2018). Sự kiện thu hút đông đảo lãnh đạo Bộ KH&CN cùng đại diện các sở, ngành, trường, viện tại Hải Phòng và đại diện sở KH&CN các tỉnh bạn.
Tại sự kiện, có 115 gian hàng trưng bày, giới thiệu gần 1.000 sản phẩm, công nghệ, thiết bị khởi nguồn từ các kết quả nghiên cứu khoa học của gần 150 tổ chức, cá nhân thuộc các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp KH&CN; các cá nhân, doanh nghiệp có dự án khởi nghiệp ở Trung ương, các tỉnh/thành vùng Đồng bằng sông Hồng và trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Lãnh đạo Bộ KH&CN và thành phố tham quan các gian hàng tại Triển lãm.
Nằm trong chuỗi sự kiện này, còn diễn ra hội thảo “Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố Hải Phòng”, hội thảo “Kinh nghiệm thành công, thất bại trong quá trình khởi nghiệp”; Phiên kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp với nhà đầu tư, quỹ đầu tư; Cuộc thi lựa chọn các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiêu biểu để tham gia Techfest Việt Nam 2018. Trong đó, các dự án của E-Coffee, Cheepcheep, Tre Thánh Gióng, Nam dược Trinh Nguyên nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư, tổ chức quốc tế như VinaCapital Venturesm, Cencere Singapore Pre Ltd, Amazon Web Service Singapore Pre Ltd, các nhà đầu tư thiên thần…
Triển lãm Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng và Techfest Hải Phòng 2018 làcơ hội tốt để gắn kết, tăng cường hợp tác hoạt động KH&CN giữa các địa phương trong vùng với các tổ chức KH&CN Trung ương; đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển thị trường KH&CN, đồng thời tôn vinh các nhà khoa học, các nhà sáng chế và khích lệ, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, góp phần tích cực vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố và đất nước.
5. Hiệu quả từ các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở
Năm 2018 vừa qua, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 7 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở ở 4 quận, huyện An Dương, Kiến Thụy, Dương Kinh, Đồ Sơn. Các nhiệm vụ này đều do quận, huyện trực tiếp quản lý từ khâu phê duyệt thuyết minh đến đánh giá, nghiệm thu.
Một số mô hình đã cho những kết quả bước đầu rất khả quan, tiêu biểu là: Xây dựng mô hình sản xuất hoa Tulip chất lượng cao tại xã Đồng Thái, huyện An Dương; Xây dựng mô hình sản xuất rau cải bắp an toàn theo hướng VietGAP tại xã An Hòa, huyện An Dương; Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nhân giống hoa Hồng, hoa Lan Dendro và trồng hoa Lan Dendro thương phẩm tại phường Minh Đức, quận Đồ Sơn.
Nhờ phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, những mô hình này trở thành một hướng đi mới góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao năng suất cây trồng trên đơn vị diện tích và cung cấp sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững góp phần nâng cao đời sống nhân dân và an sinh xã hội của các địa phương trên địa bàn thành phố.
Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong nhân giống hoa Hồng.
6. Nhiều nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao
Tiêu biểu phải kể đến là 9 nhiệm vụ được hội nghị KH&CN thành phốtư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện trong năm 2018 gồm:
1- Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chủ yếu nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng (do Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính chủ trì);
2- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất giống và trồng cây Ba Kích tím dưới tán rừng tại núi Thiên Văn quận Kiến An (do Ủy ban nhân dân quận Kiến An chủ trì);
3- Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuât lúa nếp cái Hoa vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng (do Trường Đại học Hải Phòng chủ trì);
4- Nghiên cứu chuyển đổi giới tính cá bống bớp giống tại Hải Phòng (do Trung tâm Phát triển nghề cá vịnh Bắc Bộ chủ trì);
5- Xây dựng quy trình phát hiện đột biến gen gây bệnh Thalassemia tại Hải Phòng dựa trên kỹ thuật Multiplex-PCR (do Trường Đại học Y Dược Hải Phòng chủ trì);
6- Nghiên cứu ứng dụng điện não số hóa trong điều chỉnh độ mê ở các bệnh nhân được phẫu thuật (do Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp chủ trì);
7- Nghiên cứu thiết kế xây dựng trục tích hợp trên mạng truyền số liệu chuyên dùng;
8- Nghiên cứu luận cứ khoa học xây dựng thành phố thông minh tại Hải Phòng đến năm 2020, 2025, định hướng 2030 (do Trung tâm Công nghệ phần mềm Hải Phòng chủ trì);
9- Đánh giá tiềm năng ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời tại đảo Cát Bà (do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành phố Hải Phòng chủ trì);
Các nhiệm vụ đã giải quyết được yêu cầu thành phố đang đặt ra; có tính thời sự và thực tiễn cao, là luận cứ quan trọng cho các cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp..., từ đó có những giải pháp phù hợp cho sự phát triển kinh tế xã hội thành phố./.
Nguyễn Anh Dũng
Nguồn: http://hpstic.vn/