Đang trực tuyến: | 11478 |
Hôm nay: | 2055 |
Tổng truy cập: | 181,867 |
Đây là tên đề tài do TS. Võ Thị Thu Hà, Trường Đại học Hải Phòng làm chủ nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện chiều 11/9/2024 tại Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng.
Bên cạnh nghiên cứu những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, đề tài gồm các nội dung: Thực trạng khai thác các sản phẩm du lịch và các yếu tổ ảnh hưởng đến sự phát triển của các sản phẩm du lịch đặc thù tại Cát Bà; Đề xuất một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm du lịch đặc thù tại Cát Bà, Hải Phòng.
TS. Võ Thị Thu Hà - chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu trước Hội đồng.
Nghiên cứu cho thấy, Cát Bà sở hữu nhiều tiềm năng phát triển đa dạng và phong phú. Các sản phẩm du lịch như MICE, văn hóa ẩm thực, du lịch cộng đồng, dã ngoại, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và sinh thái đều có những ưu điểm nổi bật. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch hiện tại vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục để đạt được tiêu chí của sản phẩm du lịch đặc thù. Công tác quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật ngành du lịch tại Cát Bà đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn cần cải thiện để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Chất lượng dịch vụ vận chuyển, lưu trú và ăn uống cũng đã và đang được nâng cao, nhưng cần đầu tư và quản lý tốt hơn. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư và sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững cho ngành du lịch Cát Bà.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng sinh thái của khu vực, tạo ra trải nghiệm du lịch bền vững và thu hút khách du lịch có ý thức về bảo vệ môi trường. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp chi tiết nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm du lịch đặc thù tại Cát Bà, Hải Phòng. Trong đó nhấn mạnh giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù mới như du lịch Xanh Vịnh Lan Hạ, du lịch chữa lành, du lịch MICE, văn hóa ẩm thực, du lịch cộng đồng, thể thao mạo hiểm, nghỉ dưỡng và sinh thái. Để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước như nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật ngành du lịch, dịch vụ vận chuyển, dịch vụ lưu trí và ăn uống. Việc thu hút nguồn vốn đầu tư và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững là yếu tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển toàn diện và lâu dài của ngành du lịch tại Cát Bà. Đồng thời, kết quả nghiên cứu đã đề xuất được lộ trình thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, bao gồm các bước cụ thể và thời gian thực hiện, nhằm đảm bảo các giải pháp được hiệu quả.
Theo Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, bên cạnh những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu cần sắp xếp lại cơ sở lý luận và các nhóm giải pháp cho phù hợp, rà soát và điều chỉnh thông tin trong các bảng biểu để đảm bảo tính khoa học, bổ sung chi tiết về hiệu quả kinh tế khi phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để từ đó đưa ra các giải pháp thú hút đầu tư và quản lý nguồn vốn hiệu quả... Cuối cùng cần rà soát, chỉnh sửa lỗi chế bản để hoàn thiện báo cáo.
Với những kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài đạt “Xuất sắc”. Báo cáo kết quả nghiên cứu sau khi chỉnh sửa, hoàn thiện sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân thành phố để nghiệm thu./.
Khánh Diệp (Sở KH&CN Hải Phòng)
http://hpstic.vn/news/Nghien-cuu-de-xuat-mot-so-giai-phap-phat-trien-san-pham-du-lich-dac-thu-tai-Cat-Ba-24589.html