Đang trực tuyến: | 2036 |
Hôm nay: | 2123 |
Tổng truy cập: | 185,383 |
Khai bút đầu xuân từ lâu đã được duy trì trong nhiều gia đình, dòng họ như một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Những năm gần đây, tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Hải Phòng lễ khai bút đầu xuân được tổ chức dưới hình thức một hoạt động văn hóa mang tính cộng đồng, trở thành một nét văn hóa mới trong đời sống xã hội. Để nhìn nhận một cách khách quan giá trị, ý nghĩa của lễ hội này, từ đó đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng, Ủy ban nhân dân huyện An Dương phối hợp với Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Khai bút đầu xuân - Một nét văn hóa mới tại thành phố Hải Phòng” vào sáng 26/11/2018.
Dưới sự chủ trì của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa; Thạc sỹ Lê Thị Tố Uyên - Phó Giám đốc Sở KH&CN; Tiến sỹ Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện An Dương, các đại biểu tham dự đến từ các Sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố và các tỉnh bạn được hiểu sâu sắc hơn về tục khai bút đầu xuân của người Việt ta cũng như bàn luận về cách thức phát huy nét đẹp văn hóa này tại Hải Phòng.
Khai bút đầu xuân là một trong những phong tục độc đáo, thể hiện truyền thống hiếu học của dân tộc, có ý nghĩa đề cao sự học, là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, sự nghiệp như ý…
Gần đây, nhiều địa phương đã phục hồi tục khai bút dưới nhiều hình thức khác nhau như xin chữ, cho chữ vào các dịp đầu xuân ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), dâng lễ và khai bút ở đền thờ nhà giáo Chu Văn An (Hải Dương), lễ hội khai bút xã Quỳnh Đôi (Nghệ An)…
Tại Hải Phòng, tục khai bút được tổ chức ở nhiều nơi như: Đình An Hồng Phúc (xã An Hồng), đền thờ Tiến sỹ Lê Đức Liêu ở làng Quỳnh Hoàng (xã Nam Sơn), khu di tích trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đặc biệt, tục khai bút đầu xuân được nâng lên thành lễ hội tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) từ năm 2012 (ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng giêng) thu hút sự quan tâm, tham gia của đông đảo người dân và khách thập phương về dự hội.
Ngày nay, trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển đổi trên tất cả các phương diện, dù ý nghĩa vẫn như xưa nhưng tục khai bút đầu xuân đã có nhiều thay đổi, tuy vẫn được coi trọng nhưng có đơn giản đi nhiều… Do đó, việc nghiên cứu chuyên sâu về cách thức tổ chức nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đồng thời loại bỏ những yếu tố bất cập, “phi mĩ” càng có ý nghĩa và giá trị thực tiễn cao. Đặc biệt là nghiên cứu về tục khai bút tại các địa phương như Hải Phòng, việc xây dựng lễ hội khai bút ở Hải Phòng, Lễ hội khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều nhà Mạc và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý của ngành văn hóa…
Các đại biểu tham dự hội thảo dâng hương tại đền An Hồng Phúc.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Lê Thị Tố Uyên phát biểu khai mạc hội thảo.
Trường Xuân
Nguồn http://hpstic.vn